Wednesday, June 10, 2015

Thương người như thể thương thân


(PetroTimes) - Ở cái tuổi gần 60, thầy Châu có gần 30 năm làm công tác từ thiện, giúp đỡ những người khuyết tật, neo đơn. Một tay ông vừa lo kinh phí, vừa chăm lo sinh hoạt hằng ngày cho 70 con người ở mái ấm Phan Sinh. Ai tới thăm mái ấm của thầy một lần mới hiểu được lòng con người tốt đến nhường nào.
Năng lượng Mới số 386
Nửa đời giúp người
Thầy Châu, cái tên mà người trong và ngoài mái ấm Phan Sinh thuộc ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai vẫn thường gọi ông Bùi Văn Châu (SN 1957) với một thái độ cung kính, yêu thương.
Thầy sinh ra và lớn lên trong một gia đình giáo dân ở Nam Định. Thầy được học và tốt nghiệp ngành y trong chủng viện. Năm 1976, đất nước thống nhất, thầy theo chân những người giáo dân vào Trảng Bom lập nghiệp vì nơi đây nhiều người cùng quê, cùng đạo sinh sống.
Mái ấm Phan Sinh
Cơ duyên đưa thầy đến với người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em, cụ già bị bỏ rơi là những chuyến chữa bệnh miễn phí do các nhà thờ ở Trảng Bom phát động. Thầy không nhớ nổi mình đã tham gia bao nhiêu chuyến đi, bao nhiêu cuộc gặp gỡ với những con người có số phận nghiệt ngã. Trong 10 năm 1988-1998, thầy đã từng là huấn luyện viên CLB Kỹ năng của huyện đoàn Trảng Bom; giáo dục viên CLB đường phố - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; giáo dục viên nhà mở Cầu Kho, quận 1, TP HCM; nhân viên tham vấn Trung tâm Giáo dục dạy nghề thiếu niên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM.
Năm 1998, thầy cho ra đời Mái ấm Sao Mai với mục đích giúp đỡ những người không còn khả năng lao động và không có người thân thích.
Thầy kể, Mái ấm Sao Mai là một thất bại. Không có kinh phí hoạt động, tôi phải nuôi chim cuốc làm nguồn thu nhập. Năm 2001, trải qua những đợt dịch cúm gà, chim cuốc chết sạch. Mái ấm phá sản hoàn toàn vì không tiền. Đất đai, nhà cửa của tôi bán sạch để trả nợ. Các em có nguy cơ phải ra đường. Một người biết được tình cảnh mới bán chịu cho 2.000m2 với giá 120 triệu. Lúc trước khu vực này không có dân ở, toàn rừng thôi. Tôi thấy rất phù hợp vì đa số những em vào đây đều có vấn đề thần kinh, ở gần khu dân cư là bất tiện.
Thầy Châu lập lại mái ấm mới lấy tên là Phan Sinh tiếp tục hành thiện. Không nhà tài trợ, một mình thầy đi xin cơm, đi dạy học nuôi cả trung tâm. Công việc hằng ngày của thầy là lái xe đến các công ty trên địa bàn xã Bắc Sơn xin cơm thừa bán cho các trại chăn nuôi, tối đến thầy thay đổi trang phục đến các lớp dạy tiếng Anh cho công nhân để lấy tiền hoạt động cho Mái ấm Phan Sinh.
Ông Châu với công việc hằng ngày là đi “xin” cơm
Thầy Châu tâm sự: “Công việc hằng ngày và thu nhập chính của toàn mái ấm là tiền bán cơm xin được. Một tháng được gần 20 triệu. Mình không làm lấy tiền đâu nuôi các em”. Ở mái ấm, mỗi tháng chi tiêu tiết kiệm lắm cũng hết 70 triệu đồng. Một tháng 20 triệu tiền tã lót, 30 triệu tiền chợ, 5 triệu tiền điện, 5 triệu tiền gạo và bao nhiêu thứ tiền. Không một tổ chức tài trợ, toàn bộ chi phí phải tự lực thế nên mảnh đất 2.000m2 vừa làm nhà ở, vừa làm nơi tăng xuất như nuôi ếch, kỳ đà, cá, gà. Mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu để làm kinh phí.
Một ngày ở mái ấm của thầy Châu bắt đầu từ 7 giờ. Đón chào thầy là những tiếng reo vui mừng “thầy tới, thầy tới” của những đứa trẻ. Thay áo quần, thầy xắn tay vào việc pha sữa, lấy cơm, đi thăm hỏi tất cả mọi người. Những sải chân dài, thầy bắt đầu râm rỉ với những người nằm trên giường: “Hôm nay Bình ngủ ngon không? Đức có lên cơn không? Ai đút cơm cho chú Hậu ăn”. Thầy vỗ về từng người một rồi mới lái xe đi “xin cơm” cùng một tình nguyện viên nữa. Đến chiều tà thầy Châu mới trở về. Đảo một vòng quanh trung tâm xem lại vệ sinh, hoạt động của mọi người. Thầy đi ra phía sau cho cá, ếch, kỳ đà ăn. Mãi đến 19 giờ, thầy mới nghỉ tay lại thay quần áo đến lớp dạy tiếng Anh.
Những phận đời dưới đáy
Mái ấm hiện có 70 người nhưng có tới 45 người là tâm thần, bại não, liệt, già cả và trẻ em. Tất cả đều không có khả năng lao động. Họ gần như không có thân nhân ngoài những người tình nguyện, thầy Châu và ông Chu Văn Nhâm, quản gia.
Mỗi con người trong mái ấm là một bi kịch về cuộc đời. Đó là em Ngọc (28 tuổi) được đưa vào mái ấm khi bệnh viện tâm thần trả về do gia đình không có tiền. Em vẫn có những lúc tỉnh và cho biết mình sinh đứa con đầu lòng từ năm 15 tuổi nhưng giờ không nhớ ở đâu. Em Ngọc luôn thèm muốn tình dục vì lúc chưa vào mái ấm bị người khác xâm hại quá nhiều lần. Thầy Châu kể: “Cháu nó chỉ thích đàn ông. Đàn bà nó ghét kinh khủng, một cô tình nguyện vào dọn phòng bị cháu đánh đuổi”. Một lần được ra ngoài, em Ngọc lén lút trèo qua tường rào, lột sạch quần áo chạy khắp nơi trên đường khiến thầy Châu và các cô tình nguyện phải một phen bạt vía tìm kiếm.
Khu nuôi ếch, kỳ đà, cá, gà... của Mái ấm Phan Sinh
Chỉ vào đứa trẻ tên Ngô Trần Giang Đạo (3 tuổi) thầy kể: “Hai mẹ con vào đây, mẹ bị ung thư, con bị bệnh tâm thần. Chúng tôi phải nuôi, rồi đến khi mẹ chết phải bỏ tiền ra chôn cất”. Rồi một đứa trẻ khác bị bệnh não, bị bỏ rơi khi mới có 2 ngày tuổi. Chính tay ông quản gia phải cho bú, thay tã lót. Cứ mỗi lần quấy khóc lại cứ đòi “ông Nhâm, ông Nhâm” như một người cha.
Đang nói chuyện, hai anh em sinh đôi cứ níu tay thầy Châu: “Thầy mua vé xe cho con về nhà đi. Thầy hứa mấy ngày nay rồi mà”. Thầy Châu nhỏ nhẹ: “Thầy đang có khách, tí nữa thầy mua cho. Hai đứa ngoan đi”. Phước, Sang là tên hai anh em sinh đôi đó. Cả hai bị chứng bệnh down, một người quen dắt đến mái ấm gần 4 năm nay. Không cha, không mẹ, người gốc Việt nhưng quê hương tận Campuchia, mỗi chiều đều đòi thầy Châu mua vé xe về nhà.
Đa số những đứa trẻ ở đây đều mang trong mình một chứng bệnh nan y và tử vong bất cứ lúc nào. “Vào đây, em nào khỏe mạnh, không bệnh tật gì thì tôi xin cho đi trung tâm bảo trợ khác ở. Các em có điều kiện được ăn ở, nuôi dạy tốt hơn. Ở đây đa số là những người không biết chết khi nào? Vì vậy tôi chăm sóc họ được ngày nào hay ngày ấy” thầy Châu chia sẻ.
70 người ở đây đều không tự ăn uống, tắm giặt, vệ sinh được. Người phục vụ không có. Để các em tự do, các em quậy phá, tự hành hạ bản thân sao được. Thế nên khi nào có người, mái ấm mới để các em tự do đi lại, chạy nhảy ở phòng sinh hoạt.
Nỗi khổ duy nhất là hoạt động đến năm thứ 16 nhưng mái ấm vẫn chưa có được giấy phép. Chính quyền thừa nhận việc làm cao đẹp của thầy Châu, chưa một lần làm khó dễ nhưng về thủ tục cấp phép lại ách tắc. “Muốn được cấp phép, mái ấm phải có bản đồ quy hoạch, bản thiết kế các phòng, khu vực, chứng nhận vệ sinh này nọ và một số vốn điều lệ cố định. Nhưng chúng tôi không thể đáp ứng được nên không được cấp phép”, thầy Châu cho biết.
Câu chuyện mái ấm được cấp phép là một phép màu. Ngày nọ, con trai một lãnh đạo huyện cùng đoàn học sinh ghé thăm mái ấm. Cậu con trai này đã khóc khi nhìn thấy những đứa trẻ, những con người cùng cực trong mái ấm. Cậu ấy về thuật lại với gia đình. Bất ngờ, ngày hôm sau, vị lãnh đạo đó ghé thăm mái ấm. Tận mắt thấy những hoạt động của mái ấm, ông tác động với các lãnh đạo khác ở huyện Trảng Bom. Vào tháng 4/2013, mái ấm chính thức có giấy phép hoạt động.
Niềm động viên lớn nhất của thầy là những đoàn từ thiện, những sinh viên tình nguyện. Dù không giúp được gì về tiền bạc nhưng mỗi lần họ đến thầy lại thấy vui, thấy được chia sẻ nỗi niềm. Hiện tại mái ấm đang mở rộng, xây thêm công viên để làm nơi sinh hoạt cho các em.
Hoàng Phúc Lộc
Là con người ai trong chúng ta điều có hai bản chất đó là: thiện và ác. Thế nhưng không phải vì những suy nghĩ chủ quan đó mà mỗi người chúng ta lại xa lánh anh em mình. như lời Chúa dạy chúng ta này hôm nay.
Thứ Năm Tuần X Thường Niên
Lời Chúa: 
 Mt 5,20-26
20 Khi ấy,  Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.
21 "Các con đã nghe dạy người xưa rằng: 'Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án'. 22 Còn Thầy, Thầy sẽ bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là "ngốc", thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. 23 Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, 24 thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. 25 Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. 26 Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng!"
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúng con xin tạ ơn Chúa đã thương ngự đến viếng thăm linh hồn chúng con. Chúa là Ðấng thánh thiện vô cùng, thế mà Chúa lại cho chúng con được liên kết nên một với Chúa qua bí tích Thánh Thể. Xin giúp chúng con biết gìn giữ vẻ trong trắng, sự thánh thiện trong tâm hồn của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, xin cho chúng con học nơi Chúa là tình yêu để chúng con không bao giờ xét đoán, kết án hay kết tội lẫn nhau. Xin giúp chúng con biết sống yêu thương nhau, biết giúp đỡ và tha thứ cho nhau. Người giầu nâng đỡ người nghèo. Người nghèo đùm bọc kẻ tả tơi. Người có tội thì được sự tha thứ. Kẻ lầm lỡ được cảm thông. Kẻ vấp ngã được đón nhận trong tình bao dung nhân ái. Ðó chính là phương thế duy nhất để chúng con có được hạnh phúc đời này và cả đời sau.
Nhưng Chúa ơi! Sao chúng con khó có thể "thương người như thể thương thân" quá! Chúng con chỉ biết sống cho mình. Chúng con không quan tâm đến nỗi lòng kẻ khác. Chúng con không tìm niềm vui trong phục vụ mà chỉ thấy vui khi được người khác phục vụ mình.
Lạy Chúa, xin tha thứ cho những giới hạn của chúng con. Xin dạy chúng con yêu người như Chúa yêu thương chúng con, để chúng con chăm sóc lẫn nhau và cùng chung hưởng niềm vui và hạnh phúc khi mọi người biết yêu thương và phục vụ lẫn nhau. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

No comments:

Post a Comment