Friday, June 5, 2015

CAN ĐẢM GIỮA ĐỜI

CAN ĐẢM GIỮA ĐỜI

     Trong cuộc sống của mình, mỗi người chúng ta cũng sẽ có những giây phút quan trọng đòi hỏi phải can đảm. Câu chuyện dưới đây cho ta thấy được tầm quan trọng của sự can đảm và cái nhìn của chúng ta về mọi người.
    Cách đây vài năm, John được một trường đại học nổi tiếng ở Nhật chấp nhận cho theo học ở đó. Anh sẽ theo học một chương trình dành cho sinh viên quốc tế cùng với nhiều sinh viên xuất sắc trên khắp thế giới. Một số sinh viên ghi danh với hy vọng hiểu sâu hơn về văn hóa và ngôn ngữ, những người khác xem đó là một bước tiến để cuối cùng sẽ đưa đến một nghề nghiệp và việc làm ở Nhật, nên tất cả đã rời nhà để đi du học ở nước ngoài.
    Ngay sau khi John đến, tin tức về buổi tiệc liên hoan được tổ chức trên sân thượng của một căn nhà riêng được loan truyền trong các sinh viên nước ngoài—một lời mời cho bất cứ ai muốn tham dự để làm quen với nhau. Buổi tối hôm ấy, John và hai người bạn đi đến địa chỉ đã được quảng cáo.
      Sau khi đi thang máy lên tầng trên cùng của căn nhà, John cùng hai người bạn đi lên một cái cầu thang hẹp dẫn đến sân thượng và bắt đầu hòa nhập với những người khác. Về khuya, bầu không khí thay đổi. Tiếng ồn, âm lượng nhạc và rượu càng gia tăng, và John cũng cảm thấy càng khó chịu hơn. Rồi đột nhiên, một người nào đó bắt đầu sắp xếp cho các sinh viên đứng thành một vòng tròn lớn với ý định chia sẻ thuốc lá cần sa. John nhăn mặt và nhanh chóng nói với hai người bạn của mình rằng đã đến lúc phải ra về. Hầu như chế giễu, một trong hai người đáp: “John, điều này là dễ thôi—chúng ta chỉ cần đứng trong vòng tròn, và khi đến lượt mình, thì chúng ta chỉ cần chuyền nó đi thay vì hút nó. Như thế, chúng ta sẽ không làm cho mình ngượng ngùng trước mặt mọi người khi ra về như thế.” Đối với John, điều này nghe rất dễ nhưng nghe không đúng. Anh ấy biết là phải nói cho hai người bạn biết ý định và hành động của mình. Trong một khoảnh khắc, anh thu hết can đảm và nói với họ rằng họ có thể làm những gì họ muốn, nhưng phần anh thì anh đi về. Một người bạn đã quyết định ở lại và đứng trong vòng tròn; người kia miễn cưỡng đi theo John xuống cầu thang để đi thang máy xuống. Họ rất ngạc nhiên, khi cánh cửa thang máy mở ra, thì các cảnh sát người Nhật Bản ùa ra, đi ngang qua họ, và vội vã tiến lên cầu thang dẫn đến sân thượng. John cùng người bạn của mình bước vào thang máy và ra về.
Khi cảnh sát xuất hiện ở đầu cầu thang, thì các sinh viên nhanh chóng ném ma túy bất hợp pháp xuống mái nhà để họ không bị bắt quả tang. Tuy nhiên, sau khi đã chặn kỹ cầu thang, các viên cảnh sát bắt mọi người đứng xếp hàng trên sân thượng và yêu cầu mỗi sinh viên giơ hai tay ra. Sau đó, các viên cảnh sát đi dọc theo hàng, và ngửi kỹ ngón tay cái và ngón tay trỏ của mỗi sinh viên. Tất cả những ai đã cầm điếu cần sa, cho dù họ có hút hay không, cũng bị cho là có tội, và có những hậu quả rất lớn theo sau. Tất cả các sinh viên vẫn còn ở trên tầng thượng đã bị đuổi ra khỏi trường đại học của mình. Những kẻ chủ mưu việc sử dụng ma túy bị kết án và trục xuất ra khỏi Nhật Bản, không thể quay trở lại trong nhiều năm. Những ước mơ về học vấn, những năm chuẩn bị, và khả năng làm việc tại Nhật Bản trong tương lai đã bị tiêu tan trong giây lát.
Giờ đây, chúng ta thấy điều gì đã xảy ra cho ba người bạn này. Người bạn vẫn còn ở trên sân thượng bị đuổi ra khỏi trường đại học ở Nhật Bản, là nơi anh ấy đã cố gắng rất nhiều để được chấp nhận cho theo học và bị yêu cầu trở về nhà. Người bạn rời buổi tiệc đêm đó với John đã tốt nghiệp đại học ở Nhật và tiếp tục nhận được bằng từ hai trường đại học hàng đầu ở Hoa Kỳ. Sự nghiệp của anh ấy đã đưa anh ấy trở lại Châu Á, là nơi anh ấy đã tận hưởng thành công to lớn của nghề nghiệp. Cho đến ngày nay, anh ấy vẫn biết ơn về tấm gương dũng cảm của John. Còn John, thì những kết quả trong cuộc sống của anh là vô số. Thời gian của anh ở Nhật vào năm đó đã dẫn anh đến một cuộc hôn nhân hạnh phúc và tiếp theo là sự chào đời của hai đứa con trai. Anh là một doanh nhân rất thành công và mới gần đây đã trở thành giáo sư tại một trường đại học ở Nhật Bản. Hãy tưởng tượng cuộc sống của anh ấy sẽ khác biệt như thế nào nếu anh ấy đã không có can đảm để rời bỏ buổi tiệc vào buổi tối quan trọng đó ở Nhật Bản.3
   Giống như John, sẽ có lúc chúng ta phải chứng tỏ lòng can đảm ngay chính của mình ở trước mặt bạn bè, hậu quả của điều này có thể là bị chế giễu và ngượng ngùng. 
  Mời bạn nhìn vào nhân vật trong đoạn Tin Mừng dưới đây, xem sự can đảm của anh ta như thế nào nhé. Chúng ta học được gì nơi anh và chúng ta nhận được thông điệp gì nơi Chúa muốn qua bài Tin Mừng này.
Thứ Năm Tuần IX Thường Niên
Lời Chúa: 
  Mc 12,28b-34
28b Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?" 29 Chúa Giêsu đáp: "Giới răn trọng nhất chính là: 'Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, 30và ngươi hãy yêu mến †Chúa,‡ Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi'. 31 Còn đây là giới răn thứ hai: 'Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi'. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó". 32 Luật sĩ thưa Người: "Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất, và ngoài Người, chẳng có Chúa nào khác. 33 Yêu mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh". 34 Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu". Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
Suy niệm:
“Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi.” (Mc 12: 34)

Trong đoạn Tin Mừng này, thánh Máccô nói về ba nhân vật: Chúa Giêsu, các kinh sư và những người Xađốc. Những người này đang tranh luận với Chúa Giêsu, sau đó có một kinh sư “Thấy Đức Giê-su đối đáp hay, ông đến gần Người và hỏi” người. (Mc 12:34). Vậy, kinh sư là ai?

Các kinh sư là những người thông hiểu luật Môsê, chuyên phụ trách việc ghi chép của cộng đồng Do Thái, nhất là việc gìn giữ sách luật Mosê. Ezra là một trong những kinh sư tiêu biểu thời Cựu Ước. Thời Tân Ước, họ còn là những thày dạy và giải thích lề luật (Mc 1:22) vì thế họ được người dân kính nể vì tri thức uyên thâm về luật và giữ luật. Bởi thế khi nghe Chúa Giêsu giảng dạy những điều khác với lề luật họ và các Pharisiêu đã đến để chất vấn người. Nhưng họ đã bị Chúa kết án vì đã giữ luật chỉ bằng môi miệng như những kẻ trá hình (Mt 23) mà không vì tìm kiếm ý Thiên Chúa (Mt 5:21-48). Họ bị “sốc” khi bị Chúa kết án  cho nên cùng với ngươì Pharisiêu và các thày Thượng Tế, họ đã tham gia vào việc bắt và đóng đinh Chúa Giêsu .
 Tuy nhiên không phải tất cả các kinh sư đều xấu, tiêu biểu là người kinh sư trong Tin Mừng hôm nay. Ông đã đi cùng với nhóm kinh sư và những người Do Thái khác để chất vấn Chúa. Nhưng dường như có sự khác biệt về động lực trong việc hỏi Chúa giữa ông và các kinh sư khác. Các kinh sư khác đến với mục đích bắt lỗi, tìm những điểm sai trong việc giảng dạy của Chúa và ngay cả họ muốn bẫy Chúa. Còn người kinh sư này tham gia cuộc tranh luận để tìm sự thật. Ông không chỉ đến mà đến gần Chúa (Mc 12:28) hơn những người khác và ông đã nhận ra chân lý qua lời của Chúa : "Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng” (Mc 12:32).
Người kinh sư này hẳn phải rất can đảm khi dám hành động khác với những kinh sư đồng bạn. Thấy Đức Giêsu đối đáp hay ông đã tiến lên trước để được lại gần Chúa, để hỏi người, để tìm thấy sự thật hầu đạt đến hạnh phúc muôn đời. Ông không ngại khi dám ra mặt, công khai đồng ý với lời dạy của Chúa “Thầy nói rất đúng”, khác hẳn với những kinh sư đang tìm cách hãm hại Người. Phần thưởng cho ông là lời khen cũng như sự đảm bảo của Chúa Giêsu: "Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu! "(Mc 12:34) Đó như gáo nước lạnh và lời cảnh cáo cho các kinh sư khác đến nỗi “sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa” (Mc 12:34).
Hình ảnh của người kinh sư “tốt lành” này là lời nhắc nhở cho mỗi người Kitô hữu chúng ta. Đôi khi chúng ta tự hào mình là người Kitô hữu nhưng lại chẳng sống chứng tá giữa đời thường. Chúng ta ngại đến vơí Chúa qua thánh lễ, xưng tội, và cả các thực hành đạo đức khác. Trong đơì sống, chúng ta đôi khi “vơ đũa cả nắm” rằng người ngoại giáo không tốt nhất và khi tiếp xúc với họ, chúng ta không dám hoặc xấu hổ để người ta biết mình là Kitô hữu. Thật vậy, việc chân thành mở lòng để lắng nghe, đón nhận Lời Chúa và đem Lời Chúa ra thực hành chính là chìa khóa dẫn đến hạnh phúc nước trời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết mở lòng ra với tất cả mọi người, luôn ý thức được " tha nhân chính là hình ảnh của Thiên Chúa" và xin cho thế giới ngày hôm nay mọi người biết yêu thương nhau, không phân biệt hay kỳ thị một ai để mọi người luôn bình an trong tình yêu Chúa. Xin cho con luôn biết can đảm sống sự thật, làm chứng cho Chúa bằng chính cuộc sống thường ngày của con.Amen

No comments:

Post a Comment